Xe bus
Chuyến xe bus đầu tiên ở Mỹ mình đi có lẽ là chuyến bus đường dài đi từ Oklahoma city đi Dallas để bay đi Las Vegas.
Sau đó thì là những chuyến xe lẻ tẻ đi loanh quanh Connecticut, New York, New Jersey…
1. Đi xe bus nội thành
Việc đi xe bus trong thành phố ở Mỹ cũng giống như ở các nước khác thôi. Kinh nghiệm của mình là dùng Google Maps để tìm chuyến đi (bạn cũng có thể dùng các app chuyên về xe bus nhưng mình thấy chẳng cần tải về cho rườm rà, Google Maps làm được tất cả).
Mình thử ví dụ về một trường hợp tìm tuyến xe bus từ Bass Pro shop về 175-1 Rose Dr. Mình sẽ gõ điểm đi và điểm đến trên Google Maps rồi tìm ở tab có icon chiếc tàu lửa.
Thông tin chuyến đi sẽ hiện như bên dưới:
Bạn sẽ thấy trên màn hình chuyến đi, thời gian và giá vé cho toàn chuyến. Bạn chọn vào một chuyến xe bạn cảm thấy hợp lý thì thông tin chi tiết của chuyến xe sẽ hiện ra bao gồm mã xe, hành trình, thời gian xe đến và đi.
Sau khi xác định được mã số của xe bus rồi thì chọn giờ chạy rồi đến chờ tại trạm xe thôi. Tuy nhiên, ở một số trạm chờ như bến trung tâm, mình cần xem kỹ trên phần mềm sẽ có điểm đứng đợi, thí dụ như cột số A2, cột B4 v.v…
Xe bus ở Mỹ có giá mỗi lần 120 phút di chuyển là khoảng $1.75 đến $2.00, bạn chỉ việc lên xe ở cửa trước, bỏ mấy đồng coin hoặc giấy $1.00, $2.00 vào máy thanh toán, nếu bạn tính đi thêm 1 chuyến nối tiếp khác thì bạn nói tài xế bấm cho bạn ticket, bạn nhận lấy ticket đó để khi chuyển qua chuyến tiếp theo không cần phải trả thêm mà chỉ quẹt cái thẻ ticket đó là đi thôi (vì nó có giá trị trong 120 phút). Còn nếu chỉ đi 1 chuyến này là tới luôn địa chỉ cần tới thì bạn không cần lấy.
Ngoài ra, việc đi đến một địa điểm mình chưa biết rất khó nhận ra vì mình không quen nhìn địa điểm hoặc nhìn bảng hiệu, do đó đôi lúc xe đến nơi nhưng mình không nhận ra để xuống xe. Vì vậy mình cần sửa dụng tiếp vị trí trên bản đồ để xác định xe đang ở đâu. Trên bản đồ Google maps lúc xe di chuyển, bạn cần để ý điểm đến và toạ độ của điện thoại bạn trên bản đồ, lúc toạ độ tiến gần đến điểm đến, bạn cần ra gần cửa xe để bước xuống kịp lúc. Trước khi xuống có thể ấn nút hoặc giựt dây để gọi tài xế.
2. Đi xe bus đường dài
Ở Mỹ có nhiều hãng xe bus chạy khắp cả nước, trong đó mình cảm thấy Greyhound là hãng xe có nhiều chuyến hơn cả. Mình book thử các địa điểm khác nhau thì nhận thấy họ hầu như phục vụ trên tất cả các bang đất liền của Mỹ.
Do mình chưa xử dụng dịch vụ của các hãng xe khác, nên bài này chỉ nói về Greyhound
Tất nhiên, hãng xe này cũng có nhiều cái dở, mình đang dự định sẽ viết bài về những cái dở đó sau. Dở nhất của nó là sự cứng nhắt trong cách phục vụ. Đi chơi ở Mỹ một thời gian, mình nhận thấy cách phục vụ “khách hàng là thượng đế” không tồn tại ở những dịch vụ mình đã sử dụng, có lẽ ở đây họ phục vụ dựa trên khái niệm “khách hàng là bạn” hơn. Mình đã viết một chút về chuyến xe đi Dallas từ Oklahoma ở một bài viết trước đây, tiếp theo sau đây mình sẽ viết bài viết chuyến xe Victoria về Houston – một chuyến đi đầy thất vọng với nhà xe Greyhound – tuy nhiên, không phải vì vậy mà mình không dùng dịch vụ của Greyhound nữa, bởi vì sự phong phú và tiện lợi của nó.
Dưới đây mình sẽ giới thiệu một số điểm mình cho là tiện và bất tiện mà Greyhound có:
A. Tiện:
1. Hãng xe có khá nhiều các chuyến đi qua các thành phố của Mỹ. Bạn hiếm khi không đi được từ bang này qua bang kia hoặc từ thành phố này qua thành phố kia khi chọn Greyhound.
2. Hãng có trang web/app đặt xe rất tiện lợi.
3. Chuyến xe có mã số để xem giờ khởi hành, mã số xe sẽ rước bạn, thời gian và vị trí của xe để bạn biết bạn đang ở đâu và sắp tới xe sẽ đến đâu, bao lâu sẽ kết thúc chuyến đi.
B. Bất tiện:
1. Phục vụ kiểu Mỹ, không như dịch vụ ở Việt Nam, mình cực kỳ ghét cái kiểu của các bạn phục vụ kiểu được không được thì thôi, khác xa với kiểu dịch vụ của các startup Việt Nam và châu Á là hết lòng vì quý khách hàng thân yêu.
2. Hành khách đôi lúc cũng không lịch sự, điều này thì ở Việt Nam cũng có nhưng ở Việt Nam không lịch sự kiểu khác, ở Mỹ không lịch sự kiểu khác.
3. Xe đi không đúng giờ, có khi trễ 30 phút, có khi trễ 2 tiếng, có khi lại sớm 1-2 phút. Nhảm nhất là nó khởi hành sớm.
4. Dịch vụ đổi trả vé không thật sự tốt và công bằng.
* Cách đặt xe Greyhound
Để đặt xe Greyhound, đầu tiên bạn tải app Greyhound hoặc vào website https://www.greyhound.com/. Theo mình bạn nên vào website ở trình duyệt, vì tải app cũng chẳng làm gì nếu như không phải là người thường xuyên sử dụng.
Sau khi đã vào website, bạn chọn điểm đi và điểm đến như mua vé máy bay. Sau khi tìm được vé, bạn chỉ việc chọn mua và thanh toán, nói chung là cũng dễ như đặt vé máy bay.
* Thanh toán
Greyhound có thể thanh toán bằng thẻ (tất nhiên) hoặc trả sau bằng tiền mặt ở các quầy thanh toán tại các shop tiện lợi nhưng nó lại là một điểm tào lao của dịch vụ này, đó là không refund và khi có problem xảy ra về chuyến xe thì các bạn nhân viên kêu mình tới chỗ mình đã thanh toán đó mà khiếu nại đòi lại tiền vé, hay hông? (Đọc bài chuyến xe Victoria về Dallas để biết thêm về việc này)
Để thanh toán thẻ thì bạn có thể thanh toán bất cứ thẻ của quốc gia nào miễn là có thể thanh toán online (tại thời điểm mình thanh toán mình có thể sử dụng được 2 loại thẻ visa và mastercard mình đăng ký ở Việt Nam cả credit hay debit). Mình nói kỹ vụ này vì mới đây mình thử thanh toán American Airlines bằng thẻ Việt Nam thì trang web từ chối nhận thanh toán mặc dù trước đó thì nó ok.
Đối với việc thanh toán bằng tiền mặt (tuỳ vào thành phố bạn chọn địa điểm đi có dịch vụ này hay không), bạn có thể thanh toán ở các quầy tiện lợi Ace Cash Express, Casey’s, CVS, Family Dollar, 7-Eleven và Walmart trong vòng 12h từ khi đặt vé, tất nhiên phải trước giờ xe chạy. Để thanh toán cash, bạn chọn cash rồi hoàn tất thủ tục đặt vé xong cầm cái mã vé ra mấy chỗ nói trên thanh toán. Website cũng gửi cho bạn một list các địa điểm có thể đến.
Nói chung nếu có thể bạn cứ thanh toán qua thẻ cho nhanh. Đi lòng vòng mệt óc.
* Đi xe Greyhound như thế nào
Thì đến đợi và tới giờ đi thì hỏi mấy bạn nhân viên ở đó xe đó đi thành phố đó phải không rồi đưa vé điện tử hoặc in ra cho bạn tài xế (kiêm soát vé) rồi lên đi thôi, cũng không có gì khó khăn. Tuy nhiên đối với các trạm xe lớn, nhiều chuyến, bạn nên vào website để xem số xe và chuyến đi để biết chính xác. Thông thường trong vé xe sẽ có mã schedule là mã chuyến xe mỗi khi mình mua vé xong. Tuy nhiên mã schedule này chưa phải là tất cả, mà gần đến giờ xe chạy thì bạn vào trang web của Greyhound mục Manage your bus > track your bus rồi gõ mã Schedule vào. Lúc đó bạn sẽ tìm được chuyến đi, địa điểm cũng như mã số của xe (như hình dưới đây thì mã số của xe mình sẽ đi là 86684, bạn cần phải tìm thấy xe này – mã số nó ghi ngay ở đầu xe, thì lên mới đúng)
Lên được xe rồi thì nhắm mắt ngủ hoặc nghe nhạc thôi, ngắm hai bên đường cũng chán vì freeway Mỹ nó cứ như nhau, dòm chán chết cha luôn.
Uber hoặc Lyft
Uber/Lyft là thứ dễ đi nhất trong mấy thứ mình nói ở bài này bởi vì chẳng cần phải dòm tới dòm lui sợ đi lạc hay trật chuyến trễ chuyến gì cả. Tuy nhiên muốn sử dụng được, bạn cần phải đăng ký trước app trên điện thoại (để đăng ký được thì một là app Uber đã cài từ trước ở Việt Nam còn không thì qua đây thì phải có số điện thoại Mỹ để đăng ký). Bạn cũng cần phải add thẻ credit/debit card hoặc Paypal để dịch vụ trừ tiền trước khi xe đến.
Mình sử dụng Uber và Lyft cho di chuyển khi cần đi nhanh hoặc những địa điểm không có bus. Đôi lúc mình cũng dùng Uber để chuyển hàng (cái này Lyft hổng có) giống Ahamove hay Grab delivery bên Việt Nam.
* Đặt Uber hoặc Lyft
Để đặt Uber/Lyft thì cực dễ, chọn điểm đến điểm đi, book cái là có xe, xe tới thì lên xe, chào hỏi một vài câu rồi ngồi chơi chờ xuống xe, có hôm gặp vài người dễ thương nói tùm lum thì một là ráng nghe trả lời lại, hai là ư hử rồi im, có mấy lần mình cũng mệt nghe không nổi vì giọng của họ không giống trên phim, nghe xong hỏi lại 2-3 lần mới biết họ nói gì. Đối với một số địa điểm công cộng như sân bay, điểm đón đón Uber/Lyft được quy hoạch riêng, bạn cần phải đi đến tận nơi mới book chứ đừng ngồi ở ga đến mà book rồi ra ngoài đứng chờ coi chừng chờ tới mùa quýt năm sau. Đọc bài Đi Test Covid PCR ở Mỹ để biết địa điểm đón Uber/Lyft ở đâu trong sân bay.
Đây là chiếc xe bus chở mình ra chỗ Uber đứng chờ
Tàu điện/tàu lửa
Vụ đi tàu cũng như đi bus thôi, việc tìm chuyến tàu cũng dễ như tìm chuyến bus. Nó khác nhau ở chỗ icon hiển thị cho tàu lửa thì có chút đỉnh khác so với bus.
Dưới đây là hình chụp có đầy đủ icon của ba loại phương tiện: bus, tram, train.
Đôi lúc bạn sẽ tìm thấy hình như thế này, đó là đường đi bằng Subway, cũng tương tự như bus, train v.v…
* Mua vé tàu điện hoặc tàu lửa như thế nào.
Mình có thể mua vé 1 chiều tại điểm đi hoặc mua vé trả theo thời gian dài để đi nhiều lần bằng mấy cái máy bán vé như hình dưới hoặc liên hệ nhân viên bán vé ở mấy chỗ điểm đi hơi đông khách. Tuỳ vào cách mình muốn, nói chung thì việc thanh toán rất tiện, cũng không có khó khăn gì, chỉ cần thử 1 lần là các lần khác cũng tương tự.
Máy bán vé tàu tự động ở Mỹ
Các hãng hàng không Mỹ
Do mình chỉ bay loanh quanh vài thành phố nên không có nhiều trải nghiệm đối với hàng không Mỹ. Một số hãng bay mình đã bay là American Airlines (AA), Spirit Airlines, Jet Blue và Delta. Do chỉ mua vé hạng phổ thông nên mình cảm thấy dịch vụ hầu hết ở các chuyến bay là như nhau, AA có nhỉnh hơn tí chút là cho xem phim nghe nhạc online qua mạng của họ trên máy bay, có snack ăn chơi và uống nước nếu thích, ngoài ra họ có free carry-on luggage. Ở Việt Nam thông thường khách hàng sẽ được miễn phí hành lý xách tay, tuy nhiên ở Mỹ các hãng sẽ tính phí hành lý xách tay và chỉ miễn phí ba lô đeo trên vai. Đối với các hãng bay khác mình cần trả phí là 30$ cho 1 kiện hành lý xách tay hoặc ký gửi (gọi là checked bag) khoảng 40$.
Tìm chuyến bay
Có một điểm mình thích AA nữa đó là khi mình bỏ chuyến bay, mình không phải mất vé hoàn toàn như các hãng khác, aa.com cho phép bạn cancel chuyến đi và lấy lại ticket number để sau này nếu có đi lại chuyến khác thì nhập mã đó vào, giá vé sẽ được hạ xuống khá nhiều. Đợt rồi mình không đi Chicago, giá vé là 58.40$, mình huỷ vé và sau đó đi Dallas, khi nhập mã ticket vào, vé được trừ đi 58.40$. Rất hài lòng.
Khi check in bằng máy ở các quầy checkin, đôi lúc nếu khoang hành lý ký gửi trống nhiều, máy sẽ hỏi mình có muốn gửi luôn hành lý xách tay qua chỗ ký gửi không? Thông thường nếu như mình có gửi cả checked bag thì nên gửi luôn cho tiện, còn nếu chỉ mang curry-on bag không thì bạn không nên gửi vì lúc chờ lấy hành lý rất lâu (đôi khi mất cả tiếng đồng hồ cho việc chờ đợi, mình đã bị một lần. Tất nhiên lần đó là xui xẻo khi họ gặp trục trặc gì đó, chứ không hẳn khi nào đợi lấy hành lý ký gửi cũng lâu như vậy, đa số là thời gian chờ khoảng 5-10 phút giống ở Việt Nam thôi).
Một lưu ý nhỏ cho loại hành lý ký gửi quá số ký, vì đa số là check in tự động nên bạn sẽ tự cân ký hành lý của mình rồi tự dán label vào hành lý để gửi đi. Máy tính sẽ cân hành lý và scan mã barcode trên label để nhận hàng. Nếu số ký bị dư, máy sẽ không cho hàng đi và bắt bạn phải thanh toán phí cộng thêm. Mình đã phải ngậm ngùi trả 100$ cho kiện hành ký quá cân nặng khi đi về Việt Nam trên chuyến bay từ Las Vegas đi Los Angeles hãng bay Spirit, trước đó đã trả 158$ phí hành lý.
* Mua vé máy bay như thế nào?
Việc mua vé cũng khá đơn giản, bạn có thể vào trực tiếp trang web của các hãng bay. Hoặc dùng dịch vụ compare giá vé của Google Travel, giá vé cũng khá giống với giá trên website chính thức. Trước đây mình thấy sau khi tìm kiếm so sánh vé ở Google xong mình có thể book luôn ticket ở Google, nhưng về sau này mình không làm được việc đó nữa, không rõ vì sao. Ngoài ra một số trang web không cho mình thanh toán bằng thẻ credit đăng ký tại Việt Nam như aa.com, do đó mình phải mua vé của hãng bay khác hoặc nhờ người quen thanh toán giùm.
Kết
Như vậy mình đã tổng hợp một số phương tiện đi lại trong nước Mỹ ở trên. Do mình chỉ lần đầu đi du lịch ở đây nên cũng không biết nhiều. Những thông tin trên chỉ là những trải nghiệm trong thời gian đi loanh quanh trong lúc dịch bệnh. Có những thông tin khác xin các bạn gửi message cho mình để mình cập nhật thêm vào, góp phần tạo ra nội dung đầy đủ nhất cho những bạn cần tham khảo trước những chuyến đi.
Xin cảm ơn.